Ngày 6/6, Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là 75,98 triệu đồng/lượng, giảm 15% so với một tuần trước. Vàng xuống giá nhưng nhu cầu vẫn cao, nhiều cửa hàng vàng dừng bán vàng SJC còn người dân chuyển hướng sang các điểm bán vàng tại NHTM.

1 tuần giá vàng bốc hơi gần 15%

Theo đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với phiên hôm 5/6 và cao hơn mức giá nhập từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 1 triệu đồng.

Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào là 74,98 triệu đồng/lượng, giảm 1,8 triệu đồng so với ngày 5/6. Giá bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán là 2 triệu đồng/lượng.

Lập tức, trên thị trường, các doanh nghiệp như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… điều chỉnh giá vàng miếng SJC ngày 6/6 bằng mức giá của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC là 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại một số đơn vị như DOJI, giá vàng miếng mua vào giảm tới 1,9 triệu đồng/lượng.

Lúc 11h ngày 6/6, giá vàng nhẫn SJC niêm yết tại 73,5 – 75,1 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra; tăng 300 ngàn đồng/lượng so với ngày 5/6.

Vàng nhẫn DOJI giao dịch tại 73,7 – 74,25 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Vàng nhẫn PNJ mua vào 73,5 triệu đồng/lượng, bán ra 75,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn 99,99% khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Theo công ty phân tích dữ liệu WiGroup, lúc 11h ngày 6/6, giá vàng thế giới quy đổi ở mức 74 triệu đồng/lượng (đã bao gồm tất cả chi phí thuế, phí, vận chuyển, bảo hiểm, tỷ giá theo thị trường tự do…).

Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn 3,98 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch tiếp tục được thu hẹp thêm 1 triệu đồng so với phiên 5/6 (4,98 triệu đồng/lượng), bất chấp giá vàng thế giới bật tăng gần 30 USD/ounce, lên 2.355 USD/ounce khi chốt phiên giao dịch 5/6. Từ đầu tuần, giá vàng thế giới liên tục biến động với mức 20 – 30 USD một phiên.

Giá vàng thế giới giằng co trong khi chờ đợi động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần sau. Nếu Fed chỉ tiến hành 1 đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, thị trường vàng sẽ kém hấp dẫn, ngược lại sức mạnh của đồng USD tiếp tục được củng cố.

So với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng được thiết lập ngày 10/5, đến 6/6, mỗi lượng vàng SJC đã “bốc hơi” hơn 16 triệu đồng, tương đương gần 18%. Còn tính từ ngày 29/5 – thời điểm NHNN thông báo áp dụng biện pháp mới để bình ổn thị trường đến nay, giá vàng SJC đã giảm 13,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm gần 15%.

Vàng xuống giá nhưng nhu cầu vẫn cao

Song song với phương án bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng Big4 và Công ty SJC để các đơn vị này bán vàng cho người dân, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Trao đổi với truyền thông, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới một cách bền vững; kiên quyết thực hiện chủ trương chống “vàng hóa” nền kinh tế.

Ngày 4/6, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN cho biết, mục tiêu của phương án này là nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp.

Theo ông Tuấn, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các NHTMNN và SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.

Bước sang ngày thứ 4 NHNN thực hiện phương án bán vàng cho Big4, dù giá vàng giảm từng ngày, nhưng sức hút vàng miếng vẫn rất lớn, khi nhiều nơi báo hết vàng hoặc hết số thứ tự từ sớm. Nhiều người dân đi tới vài ngân hàng mà vẫn phải ra về tay không. Nhiều người đăng ký mua phải đợi 1, 2 hôm sau mới được giao dịch.

Trên cafebiz.vn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho rằng, 3 ngày sau khi bán vàng bình ổn, đã xuất hiện nhiều tình tiết mới. Giá vàng mỗi ngày giảm 1 triệu/lượng, và có thể sẽ còn giảm. Việc giảm giá nhẽ ra sẽ làm cho nhiều người muốn mua vàng phải tính lại, chưa “xuống tiền” ngay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua vàng.

Ông Linh cho rằng, trên thị trường, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đã ngừng bán vàng miếng SJC. Dòng người muốn mua vàng phải chuyển hướng sang nơi bán vàng bình ổn.

“Bài toán ở đây cần đặt ra nếu các cửa hàng vàng tiếp tục ngừng bán thì lượng vàng của NHNN còn bao nhiêu để tiếp tục bán bình ổn? Việc giảm giá bán nhanh đang tạo ra nhiều tình huống phức tạp. Người mua sẽ kéo đến các Ngân hàng Thương mại Nhà nước. Việc xử lý cung cầu thêm phức tạp với nhà điều hành”, ông Linh nói.

Ông Linh cho rằng, nhà điều hành cần chấp nhận vẫn còn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở một mức độ nào đó và không nên đặt ra mục tiêu không còn chênh lệch trong một sớm một chiều. Nếu mức giảm chênh lệch về 10 – 15% có thể chấp nhận được.

Trước diễn biến thị trường hiện nay, ông Linh nói: “Nếu người dân bình tĩnh, không chạy theo phong trào, đó cũng là một cách để bảo vệ lợi ích của chính mình”.

Phan Vũ (t/h)