Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về quan hệ Mỹ – Trung, ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực. Dữ liệu cho thấy, chiến lược của Bắc Kinh dựa vào sản xuất để vực dậy nền kinh tế đã bị nghẽn lại, những kỳ vọng trong phúc lợi dân sinh và thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã không được như thực tế.

r shutterstock 2408993335
Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại gần Công viên Quốc gia Valley Force ở Blue Bell, tiểu bang Pennsylvania, vào ngày 5/1/2024. (Ảnh: OogImages/Shutterstock)

Phỏng vấn của Tạp chí Time

Tạp chí Time của Mỹ hôm 4/6 đã đăng bài phỏng vấn độc quyền với Tổng thống Mỹ Biden. Khi nói về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, ông Biden cho hay: “Nền kinh tế này phát triển như thế nào? Nền kinh tế của họ đang trên bờ vực sụp đổ. Một số người nói rằng nền kinh tế của họ đang bùng nổ? Đừng nói nhảm nữa”.

Ông Biden cũng cho biết về dân số già hóa của Trung Quốc: “Số người già không thể làm việc đã rất đông”.

Dữ liệu nhân khẩu học mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng Một năm nay cho thấy, tổng dân số Trung Quốc giảm 2,08 triệu người vào năm 2023, trong khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục là 6,39‰; đến cuối năm 2023, dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã lên tới 290 triệu người, chiếm khoảng 21,1% tổng dân số. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự đoán con số này sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035, chiếm 30% tổng dân số. Khoảng 300 triệu người Trung Quốc hiện ở độ tuổi từ 50 – 60 sẽ rời khỏi thị trường lao động trong thập niên tới.

Một vấn đề khác liên quan trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là thị trường bất động sản, thị trường này đã liên tục suy thoái từ sau đại dịch COVID-19. Do dân số tăng trưởng âm trong khi bong bóng thị trường bất động sản ngày càng phình to, nguồn cung nhà mới vượt quá cầu khiến giá nhà đất giảm. Trong một báo cáo, tổ chức tư vấn Anbound (Trung Quốc) chỉ ra rằng xu hướng chung bất động sản Trung Quốc suy thoái là khó thay đổi và mùa đông bất động sản còn lâu mới kết thúc.

Tổng thống Biden cũng bày tỏ nghi ngờ về ảnh hưởng của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là một loạt các dự án cơ sở hạ tầng đang được ĐCSTQ triển khai trên khắp thế giới nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã trở thành “kế hoạch thất bại gây mệt mỏi”, ông bác bỏ tuyên bố rằng sáng kiến ​​này đã giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thành công và cạnh tranh với Mỹ và Nga.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Biden cũng bảo vệ mức thuế áp đặt đối với các sản phẩm của Trung Quốc được ông ký vào tháng trước. Vào ngày 14/5 Tổng thống Biden công bố tăng thuế đối với các sản phẩm năng lượng mới bao gồm xe điện, chip máy tính, tấm pin mặt trời, khoáng sản quan trọng và các sản phẩm y tế. Có lo ngại rằng các mức thuế này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá đắt hơn.

Nhưng ông Biden cho biết: “Trung Quốc không thể sử dụng biện pháp bán phá giá để thay đổi thị trường, giống như vấn đề nhà nước Trung Quốc trợ cấp cho các ngành công nghiệp như xe điện. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó”. Ông nhấn mạnh ông chỉ hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ hành động theo quy tắc tương đồng: “Nếu một công ty Mỹ muốn đầu tư vào Trung Quốc, họ phải trao cho nhà điều hành Trung Quốc quyền sở hữu 50% – 51%… Vì vậy chúng tôi sẽ làm điều tương tự khi doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ”.

Phân tích: Khủng hoảng nợ lớn nhất Trung Quốc đang cận kề

Theo Đài VOA ngày 5/6, nhà bình luận thời sự Gordon Chang trong một cuộc phỏng vấn đã chia sẻ đồng tình với Tổng thống Biden rằng, “nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực”.

Ông Gordon Chang cho rằng cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc đang cận kề, họ sẽ hứng chịu tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: “Mô hình kinh tế Trung Quốc đã đến giới hạn. Trung Quốc đang cận kề ‘tái diễn cuộc khủng hoảng 2008’. Hồi đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn đất nước rơi vào suy thoái nên đã áp dụng chương trình kích thích gây nợ lớn nhất trong lịch sử, bây giờ là lúc họ phải trả nợ nhưng họ không có cách gì”.

Năm 2008, cơn sóng thần tài chính quét qua thế giới khiến nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới suy sụp hoặc bị chính phủ tiếp quản, gây ra suy thoái kinh tế. Vào thời điểm đó, Trung Quốc tung ra kế hoạch đầu tư khổng lồ “4000 tỷ” (tức là 4000 tỷ nhân dân tệ đầu tư vào 10 hạng mục để mở rộng nhu cầu trong nước), biện pháp nhanh chóng kích thích nền kinh tế, củng cố niềm tin và thành công tránh được cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông Gordon Chang cho rằng tỷ lệ nợ trên GDP hiện tại của Trung Quốc là khoảng 350%, hoặc thậm chí cao hơn.

Khó khăn trong chiến lược dựa vào sản xuất để vực dậy nền kinh tế

Dữ liệu việc làm qua chỉ số PMI là một đầu mối khác về lượng lao động nhàn rỗi còn lại trong nền kinh tế Trung Quốc. Công ty tư vấn Gavekal chỉ ra rằng trong hầu hết năm 2023, chỉ số phụ việc làm của Trung Quốc trong PMI thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 31/5 đưa tin, sự sụt giảm chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua đã khiến các nhà kinh tế “trở tay không kịp”, cho thấy chiến lược dựa vào sản xuất để vực dậy nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu thất bại: Sản lượng làm ra vượt quá xa số lượng đơn đặt hàng mới và khiến tình trạng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ngày càng tăng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh có thể gây lo ngại cho Bắc Kinh, vì vốn dĩ nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực phát triển sản xuất hàng cao cấp và thúc đẩy xuất khẩu để bù đắp tác động của tình hình nghiêm trọng đối với ngành bất động sản trong nước.

Vấn đề này được chuyên gia kinh tế Trương Trí Uy (Zhang Zhiwei) tại Shanghai Pinpoint Asset Management cho biết: Trung Quốc không thể chỉ dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế, cần thực hiện các chính sách tài khóa tích cực hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Một yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc có thể là do những thay đổi mạnh về niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong những tháng gần đây, do Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát trong thời gian dài của Đại học Michigan cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Mỹ [về sản phẩm Trung Quốc] vào tháng Năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Tư không thay đổi nhưng tăng trưởng việc làm [Trung Quốc] lại giảm mạnh. Trong quá khứ, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc có xu hướng phù hợp với xu hướng chung về niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, cho thấy người tiêu dùng Mỹ rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc ngay cả khi gần đây Trung Quốc đã tập trung nghiêng về Nga và các thị trường mới nổi khác.

WSJ có bình luận cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực đối phó khốn khó từ thị trường bất động sản trong nước, dữ liệu xấu gần đây sẽ gây áp lực lớn hơn lên chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt nếu tình trạng đó tiếp tục kéo dài sang tháng tới.

Hôm 1/6, nhà kinh tế Nhậm Chí Bình (Ren Zeping) của Trung Quốc cũng công bố bài báo kêu gọi: “Chỉ số PMI đã giảm và đã đến lúc tung ra một đợt kích thích kinh tế mới”. Bài viết cho rằng chỉ số PMI sản xuất Trung Quốc vào tháng Năm đã “cạn kiệt”, cho thấy nhu cầu trong nước quá kém. Số lượng đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất suy giảm, dù mức giảm doanh số bất động sản được thu hẹp nhưng vẫn ở mức yếu; sản xuất mà đặc biệt là ngành sản xuất công nghệ cao và xây dựng suy giảm trở lại – vấn đề liên quan đến hiệu ứng trì hoãn của chi tiêu tài khóa…

Bài viết phân tích: Bất động sản Trung Quốc vẫn trong tình trạng không thấy ánh sáng, bên cung muốn bán hàng nhưng điều đó phụ thuộc vào việc làm và thu nhập của người dân; dù các chính sách từ trên có như thế nào thì vấn đề thực tế vẫn là phụ thuộc từ dưới – tức vấn đề cải thiện sức mua và kỳ vọng của người dân, thúc đẩy việc làm và thu nhập, điều đó cần một đợt kích thích kinh tế “mới”. Bài viết cũng kêu gọi triển khai biện pháp kích thích qua mở rộng tài chính và nới lỏng tiền tệ, để mở rộng nhu cầu, thúc đẩy việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế.