Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng thời gia đình cũng cần giám sát, để mắt đến con em mình.

tra vinh ru nhau di tam ao 3 be trai tu 8 14 tuoi bi duoi nuoc
Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn. (Ảnh minh hoạ: Love Solutions/Shutterstock)

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Các chuyên gia nhận định những nguyên nhân đuối nước của trẻ vị thành niên thường do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ là do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Dù trẻ em không biết bơi hay biết bơi, nếu chủ quan thì cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm khi tai nạn xảy ra.

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng việc c phòng, chống đuối nước cho trẻ. Các địa phương, gia đình cần quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian các em không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian xảy ra bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Quan trọng nhất là cần rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa phương. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức dạy bơi trong các cơ sở giáo dục, tăng cường truyền thông về trách nhiệm, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư.

Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Bộ VHTT&DL đặt mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động dạy bơi cho học sinh vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Một số trường tiểu học tại các thành phố lớn đã thực hiện thí điểm dạy bơi cho học sinh nhằm phổ cập bơi lội. Tuy nhiên, việc tổ chức các buổi học bơi trong trường gặp nhiều khó khăn khi thiếu hồ bơi và giáo viên phụ trách. Điều này càng trở nên khó khăn hơn tại các khu vực nông thôn, nơi mà có rất ít trường học có bể bơi để dạy học. Do vậy, tỷ lệ học sinh biết bơi hiện đang chỉ chiếm 33,59%.

Theo nhiều chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về nơi chơi, cách chơi an toàn.

Để phòng ngừa đuối nước trong mùa nắng nóng, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo như sau:

1. Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…

2. Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy….

3. Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

4. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định.

5. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

6. Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước) đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP. Hà Nội theo số máy 114.

7. Khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Khánh Vy