Câu hỏi “Làm cái này cái kia có ra thóc không?” – tức là có đem lại cái ăn, cái mặc không, là câu hỏi có lẽ xưa như sự ra đời của loài người. Câu hỏi này cũng sẽ là câu hỏi muôn thuở cho tới khi nào con người vẫn cần ăn để sống.

Tuy nhiên khi con người đã phát triển thành một cộng đồng phức tạp như xã hội thì một cách tự nhiên câu hỏi ấy trở thành vô duyên khi đặt ra với những cá nhân, tổ chức tách rời, thoát ly khỏi sản xuất trực tiếp để sáng tạo ra tri thức, quản trị xã hội hoặc cung cấp các dịch vụ gián tiếp phục vụ sản xuất hoặc đời sống.

Không có ăn con người chết ngay. Nhưng nếu cứ hỏi mãi, nghĩ mãi về chuyện ăn thì xã hội sẽ không có thiên tài.

Thiên tài là người dám nghĩ, dám làm những thứ vượt ra khỏi tư duy thông thường của số đông. Nhưng thiên tài không tự sinh ra được. Thiên tài là con đẻ của mọi thứ trước đó được tích lũy, nuôi dưỡng qua hàng ngàn năm, hàng trăm năm trong chính cộng đồng họ sinh ra.

Vậy nên Fujiwara Masahiko – một nhà toán học đồng thời là một nhà văn người Nhật trong tác phẩm “Phẩm cách quốc gia” xuất bản năm 2005 tại Nhật, bán được 3 triệu bản đã đưa 3 điều kiện để có thiên tài:

Điều kiện thứ nhất – Sự tồn tại của cái đẹp.

Điều kiện thứ hai – Tấm lòng ngưỡng vọng.

Điều kiện thứ ba – Môi trường coi trọng tinh thần.

Ở điều kiện thứ nhất – sự tồn tại của cái đẹp, ông dẫn ra trường hợp của Ireland và Ấn Độ. Ban đầu đến Ấn Độ ông thấy đường phố bẩn quá nên nghi ngờ lẽ nào nơi bẩn thế này mà lại sinh ra lắm thiên tài như Tagore (nhà thơ), Ramanujan (nhà vật lý). Ông về Nhật suy nghĩ mãi rồi lại đến tận quê hương của Ramanujan và ông phát hiện ra quê hương nhà vật lý này quá đẹp với thiên nhiên, đền đài tráng lệ. Và từ đây tỏa ra bán kính 30km ông khám phá ra quê hương của nhiều nhà khoa học thiên tài khác như Cahndrasekhar (Nobel vật lý), Raman (nhà vật lý học khám phá ra hiệu ứng Raman).

Ở điều kiện thứ hai thì ông cho rằng đó là sự ngưỡng vọng các thế lực siêu nhiên, siêu người như Thần, Phật, tự nhiên vĩ đại.

Ở điều kiện thứ ba ông giải thích “Đó là môi trường coi trọng cả những thứ không hữu ích. Đấy là việc coi trọng cả những thứ không trực tiếp có ích như văn học, nghệ thuật, tôn giáo. Cũng là việc coi thường những thứ trần tục và tiền bạc”.

Đọc lại đoạn trên trong tác phẩm “phẩm cách quốc gia” thấy choáng!

Mà ông Fujiwara Masahiko này chê Nhật Bản đủ thứ trong đó có cho rằng ở Nhật ngày càng ít thiên tài vì cả ba điều kiện trên dần không còn nữa. Cái này cũng hệt như ông chê vợ ông và đe đánh vợ. Một kiểu thậm xưng thôi.

Nhật Bản có 125 triệu dân mà tính đến thời điểm này có tầm trên dưới 20 người đạt giải Nobel rồi các bạn ạ. Giải Field trong toán học thì có 3 người thì phải.

Vậy nên, “ngày mai ăn gì?”, “có ra thóc không?” là câu hỏi muôn thuở nhưng suốt ngày chỉ hỏi thế và mãi mãi chỉ hỏi thế thì còn lâu mới có thiên tài.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: